Tư duy lại tương laiii….

Khi xem Tây Du Ký, các bạn có cùng thắc mắc với mình không? Có một ngày, Ngộ Không thủ thỉ với sư phụ:

img_0

Đường Tăng không nói nhiều và nhẹ nhàng trả lời: “Vậy con có biết 500 năm qua tụi yêu quái lên bao nhiêu level rồi không?”

Tư duy lại tương lai cũng là tiêu đề của một cuốn sách mà bạn đồng nghiệp cho mình mượn. Nội dung chính nói về kinh tế, nhưng có một đoạn mình rất ấn tượng, đó cũng là cảm hứng để mình viết bài này: 

Sự thật là tương lai sẽ không phải là sự tiếp tục của quá khứ. Nó sẽ là một chuỗi các gián đoạn.

Các bạn không thể nhìn tương lai như một sự tiếp tục của quá khứ…vì rằng tương lai sẽ khác và để có thể đương đầu với tương lai, chúng ta phải thực sự quên đi cách thức mà chúng ta đã đối đầu với quá khứ

Cũng như Ngộ Không, ngày xưa có bá đạo cỡ nào, thì sau khi bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn hơn năm trăm năm cũng không thể đánh lại mấy con thú cưng của Bồ Tát. Cái này theo ông bà ta gọi là “văn ôn võ luyện”, mình nghĩ là tụi yêu quái chơi chiến thuật “work hard play hard” suốt thời gian dài nên Ngộ Không thua là đúng. Đó là ý kiến của mình thôi, theo nội dung bài viết thì ta nên kết luận là không thể nhìn vào cách mình đối mặt trong quá khứ mà áp dụng cho hiện tại.

Đại ý là vậy, giờ mình sẽ dẫn chứng bằng một số Công ty đình đám đã “bay màu” mặc dù họ từng là những ông trùm và đi đầu trong thế giới công nghệ.

Chắc các bạn ở thế hệ 9x như mình sẽ không thấy xa lạ khi nghe cái tên Nokia. Ngày đó người người, nhà nhà dùng điện thoại Nokia – Một biểu tượng trong ngành công nghiệp di động, từng là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới với 40% thị phần toàn cầu (2008), nhưng ngày nay ít người nhắc đến cái tên Nokia, tại sao Công ty này lại sụp đổ từ đỉnh cao thành công? 

“Quản lý yếu kém, định hướng sai lầm và đấu đá nội bộ là những nguyên nhân khiến Nokia tự làm yếu chính mình…” đây là những nguyên nhân mà mình tìm thấy khi gõ một từ khoá “Tại sao Nokia lại sụp đổ” trên Google. Các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn có thể xem cuốn Transforming NOKIA: The Power of Paranoid Optimism to Lead Through Colossal Change của Risto Siilasamaa – Chủ tịch của Nokia 2012 – 2020, mình đề xuất vậy chứ nói thật mình chưa đọc. Ngoài ra có yếu tố như “Ngủ quên trên chiến thắng” cũng không ngoại lệ đối với sự suy tàn mạnh mẽ của Nokia. 

Năm 2007, Steve Jobs cho ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên của Apple, không có bàn phím vật lý, màn hình cảm ứng 3.5 inch – 320 x 480 pixel. 

Nó được gọi là iPhone, đẹp đẽ nhưng vô dụng theo sự nhìn nhận của đội ngũ phát triển sản phẩm Nokia…Risto cũng biết ở phòng nghiên cứu của Nokia lúc đó đã nghiên cứu thành công bề mặt cảm ứng tốt hơn của iPhone và có thể hoạt động tốt khi rơi hay ngấm nước. Tuy nhiên niềm tin của BQT về một thế giới điện thoại có bàn phím vẫn sẽ là con đường duy nhất để đảm bảo thành công cho Nokia. Lúc đó Blackberry với bàn phím QWERTY và sự thành công của Motorola với các mẫu điện thoại gập gây chú ý với Nokia nhiều hơn là Apple

Tiếp tục tới Công ty thứ hai nào, các bạn dùng máy ảnh phim chắc đều nghe qua hai hãng nổi tiếng đó là Kodak và Fujifilm, một ông trùm ở Mỹ còn lại ở Nhật, nhưng Kodak ngày nay đã không còn nữa. Vậy một lần nữa, tại sao Kodak lại đi vào dĩ vãng?

img_1
“Một trong những lý do cốt lõi cho điều này là sự thất bại của Kodak không thích ứng kịp những thay đổi trong khi môi trường bên ngoài là sự bùng nổ của – cuộc cách mạng kỹ thuật số”

Trong cuốn Hiểu về trái tim của thầy Minh Niệm, ở chương Nghi ngờ thầy có viết “Đó là thái độ cố chấp, bám chặt vào những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cũ kỹ để nhìn vào thực tại mới mẻ. Trong chừng mực nào đó, dĩ nhiên kiến thức và kinh nghiệm tích lũy là thứ tài sản quý báu của con người. Nhưng nếu ta không biết sử dụng nó một cách đúng đắn và hợp lý, thì nó sẽ trở thành những bức tường vĩ đại định kiến và thành kiến để ngăn cách ta với sự thật” 

Vậy Nokia và Kodak có điểm chung là gì? Đều là những ông trùm trong một lĩnh vực nhất định nhưng rồi Nokia bị Microsoft mua lại, còn Kodak thì tuyên bố phá sản. Có nhiều nguyên nhân như kinh tế – chính trị – tâm tư tình cảm mà mình Google được. Đại học và công việc của mình xoay quanh kỹ thuật, những khái niệm quen thuộc quanh mình đó là thuật toán this thuật toán that, eager loading hay lazy loading, Big O lớn rồi lại Big o nhỏ… bla bla nên cái đầu tiên mình quan tâm đó là yếu tố công nghệ, cả hai công ty đều đã quá thành công, nhưng sự phát triển chóng mặt của công nghệ là một phần nào đó góp phần xóa sạch đi mọi lợi thế mà họ có được. 

Con người ta thường sợ thay đổi vì sẽ mất đi cảm giác an toàn hiện có, và theo bản năng thì cái gì sợ người ta càng tránh xa. Mình làm việc trong ngành phần mềm, một dự án hay một chức năng cũ kĩ đã phát triển qua cả chục năm, khi được lựa chọn giữa nhận bàn giao rồi sửa hay đập đi xây lại, thì tin mình đi, hầu hết sẽ chọn phương án B – đập đi đập luôn và xây lại không nói nhiều. Sự update trong công nghệ để càng lâu sẽ càng trở nên khó khăn, đơn giản như nâng cấp version của thư viện bạn đang dùng, nâng cấp version của ngôn ngữ bạn đang viết nó cũng có khả năng dẫn đến lỗi hệ thống. Vậy nên cái gì đã bền vững, đã ổn định thì thuận theo tự nhiên con người ta lại tránh né việc thay đổi, nhưng quên đi rằng thay đổi mới chính là an toàn

Tới đây thì mình hết chữ rồi. Bài viết đầu tiên nên không tránh khỏi nhiều sai sót, các bạn bình luận, chia sẻ cho mình các góc nhìn khác với, đặc biệt là phân tích sâu hơn về Nokia và Kodak dưới góc nhìn kinh tế thì càng hay, mình sẽ cùng bàn luận, tiếp thu và cải thiện.

–Tui là Bi–

Share