Nhảy việc sau tết: Cơ hội hay cơ cực!

Cơ hội hay cơ cực!

Sau những ngày tết sum vầy và ấm áp bên gia đình, việc trở lại với cuộc sống công việc thường xuyên lại đặt ra câu hỏi: nên tiếp tục công việc hiện tại hay nhảy việc để tìm kiếm cơ hội mới? Cùng tìm hiểu về xu hướng nhảy việc sau Tết và xem liệu đó là cơ hội hay thách thức.

Tết âm lịch là thời điểm mà các công việc trong năm cũ đều được tất toán, lương thưởng đều sẽ “về tay” nên việc rời đi cũng “nhẹ gánh” hơn. Bên cạnh đó, những ngày cuối cùng của tháng Chạp cũng chính là khoảng thời gian để mỗi người nhìn lại về cuộc sống và công việc trong năm cũ. Nếu họ nhận thấy môi trường làm việc hiện tại vẫn tốt và có cơ hội phát triển thì sẽ tiếp tục ở lại. Còn trong trường hợp ngược lại, “nhảy việc” được xem là “lối thoát” giúp người lao động tìm con đường phát triển mới cho bản thân.

Cơ hội cho những ai chọn “nhảy việc”

Nhảy việc sau kỳ nghỉ Tết có thể mang lại rất nhiều tác động tích cực cho cuộc sống và công việc của mỗi người. Cái lợi trước nhất là họ sẽ có mức lương, thưởng và chế độ phúc lợi tốt hơn so với ở công ty cũ. Bởi đây là thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao nên chính sách mà các công ty đưa ra trong giai đoạn này cũng thường hấp dẫn hơn so với những đợt tuyển dụng khác trong năm.

Không chỉ giúp mang lại nguồn lợi trước mắt mà “nhảy việc” còn là cơ hội để mỗi người tìm kiếm một môi trường tốt hơn, giúp khai phá và hoàn thiện năng lực bản thân. Bởi khi thay đổi môi trường, bạn sẽ cần phải thúc đẩy bản thân luôn học hỏi, thích nghi và cập nhật liên tục. Đặc biệt, nếu môi trường mới có “chuẩn” làm việc cao hơn thì đây cũng là cách giúp bạn nâng “tiêu chuẩn” làm việc của mình và hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn mỗi ngày.

Những rủi ro khi “nhảy việc” sau Tết

Bên cạnh những điểm cộng lớn thì “nhảy việc” sau Tết vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là những vấn đề liên quan đến tài chính. Một số người lao động chọn cách nghỉ việc rồi mới đi xin việc làm mới. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt tiền bạc nếu như bạn không tìm được việc như dự tính. Đặc biệt là trong trường hợp bạn không có bất kỳ một khoản tiết kiệm nào trong thời gian còn đi làm.

Bên cạnh vấn đề tài chính, việc rời đi ngay sau Tết cũng được xem là vô cùng nhạy cảm. Có một số người cho rằng đây là một hành động khá ích kỷ khi nhân viên đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu nhân sự để hoạt động trong giai đoạn đầu năm. Nếu không khéo léo trong việc “chia tay” thì những đánh giá của công ty về bạn sẽ không được tốt và tiếng xấu này còn có thể “lan” đến công ty mới của bạn.

Ngoài ra, thị trường lao động tại thời điểm này “sôi sục” hơn bao giờ hết. Nhiều ứng viên rơi vào tình trạng “lao đao” kiếm việc vì tỉ lệ người ứng tuyển vào cùng vị trí rất cao, đặc biệt là các vị trí cấp thấp. Nếu không “biết mình biết ta”, chưa có sự chuẩn bị kĩ càng, nguy cơ cao bạn sẽ không thể vượt qua các đối thủ cùng ngành.

Không có công thức chung nào để thành công trong việc “nhảy việc”. Kết quả sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn đang cân nhắc việc “nhảy việc” sau Tết, hãy lưu ý những điểm sau:

1. Hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân

Trước khi quyết định nhảy việc, hãy đảm bảo bạn đã hiểu rõ tình hình tài chính của mình. Đặt ra những câu hỏi quan trọng như: Tình trạng tiết kiệm của bạn là bao nhiêu? Số tiền đó đủ để bạn tồn tại trong bao lâu? Bạn cần bao lâu để tìm được công việc mới? Nếu tài chính vẫn chưa ổn định, hãy cân nhắc lại quyết định của bạn.

2. Đừng nghỉ việc nếu chưa có “bến đỗ” mới

Nếu bạn chưa tìm được công việc mới, đừng nghỉ việc vội vã. Việc này có thể tạo ra áp lực tài chính và làm bạn vội vàng chấp nhận công việc không phù hợp. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng và suy nghĩ đúng đắn trước khi ra quyết định.

3. Nhiệt huyết đến cùng khi làm việc ở công ty cũ

Luôn giữ nhiệt huyết và chủ động trong công việc cuối cùng ở công ty cũ. Điều này giúp bạn tạo ra ấn tượng tích cực và tránh khỏi những phiền toái không đáng có sau khi rời đi.

4. Đánh giá lại bản thân

Tự đánh giá và nhận xét từ người khác về năng lực và kinh nghiệm của bạn. Điều này giúp bạn có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp và tránh khỏi những vòng lặp không cần thiết.

5. Cập nhật hồ sơ xin việc

Trước khi quyết định nhảy việc, hãy cập nhật lại hồ sơ xin việc của bạn. Sau đó, tiếp cận với nhà tuyển dụng thông qua nhiều kênh khác nhau như trang web uy tín, mạng xã hội và báo chí.

Nguồn: Spiderrum

Share